
Khu vực miếu Địa Tạng là tên gọi chung cho một di tích từng xảy ra hai sự kiện có ý nghĩa đối với lịch sử Quảng Trị. Khu vực này có hai tuyến đường giao thông xuyên quốc gia (đường sắt và đường bộ) chạy ngang qua, thuộc địa phận làng Trường Sanh, xã Hải Trường, huyện Hải Lăng. Vì có một đàn tế mà trong đó có một pho tượng Địa Tạng nên gọi là khu vực miếu Địa Tạng. Cuối năm 1948, để mở rộng chiến tranh và tiến hành các cuộc càn quét, quân đội Pháp tăng cường sử dụng các đoàn tàu quân sự để chở lính và vũ khí cho các chiến trường khắp hai miền Nam – Bắc. Địa bàn phía Tây xã Hải Trường là nơi có đường tàu hỏa chạy qua giữa một vùng rú cát. Nắm bắt được lộ trình và thời gian chạy qua địa bàn của các đoàn tàu quân sự Pháp, du kích xã cùng với một đại đội của trung đoàn 95 đã phục kích chặn đánh. Lực lượng kháng chiến của ta tổ chức gài mìn rồi cho quân bí mật mai phục hai bên đường sắt. Khi chiếc tàu Fandnir đi qua, bộ đội giật mìn làm tàu đổ rồi tấn công chớp thoáng vào đoàn tàu, diệt 42 lính Pháp, thu hồi toàn bộ vũ khí và đồ dùng quân sự rồi rút lui an toàn. Đây là trận phục kích đánh Pháp có tiếng vang hồi bấy giờ. Cũng tại khu vực này, vào cuối tháng 4/1972, sau khi Đông Hà, Ái Tử thất thủ, lực lượng quân ngụy đóng ở thị xã Quảng Trị hoang mang dao động cực độ. Chúng buộc phải “rút chạy có kế hoạch”. Suốt đêm 30/4 và sáng 1/5/1972, quân ngụy tập trung lực lượng để khai thông đường tháo chạy nhưng đến đâu cũng bị quân giải phóng chặn đánh. Trên đoạn đường từ Diên Sanh đến Mỹ Chánh, một cánh quân của sư đoàn 320 tập trung chặn đánh tàn quân của Mỹ – ngụy từ thị xã Quảng Trị rút chạy vào Huế, trận chiến diễn ra hết sức ác liệt. Cùng lúc dó, hàng ngàn thường dân đang chạy ngược xuôi náo loạn đi di tản thì bị kẹt lại và đụng phải cuộc chiến. Để bảo vệ tính mạng và tài sản cho nhân dân, bộ đội chủ lực ta hạn chế nổ súng. Tuy nhiên, bọn địch lợi dụng tình thế này xả súng loạn xạ để tìm đường chạy thoát thân và gây nên những thương vong hết sức khủng khiếp, hàng trăm người bao gồm cả dân chúng và lính ngụy đã phải bỏ mạng và bị thương. Sự kiện này đã khắc sâu vào tâm trí của người dân Quảng Trị, thành nổi ám ảnh kinh hoàng của một thời chiến tranh li loạn. Cả đoạn đường quốc lộ 1 đi qua khu vực Hải Trường trở thành Đại lộ Kinh hoàng đối với quân ngụy. Năm 1973, để siêu thoát cho các vong hồn bị chết trong cuộc di tản vào tháng 4/1972 dân chúng đã xây dựng tại dây một ngôi miếu có tượng Địa Tạng để giải oan. Ngày nay, đoạn đường này được nâng cấp sửa chữa qui mô hơn nhằm phục vụ cho tuyến giao thông Bắc – Nam. Theo: Di tích lịch sử văn hoá và danh lam thắng cảnh tỉnh Quảng Trị (Sở VH-TT&DL tỉnh Quảng Trị) |